**ĐẠI NỘI HUẾ**
**PHẦN 2: TỬ CẤM THÀNH – GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ KIẾN TRÚC ĐẶC BIỆT CỦA TRIỀU NGUYỄN**
Tiếp nối phần 1 đã đăng, phần 2 là những hình ảnh và thông tin của Tử Cấm Thành bên trong Hoàng Thành Huế.
Tử Cấm Thành, nằm trong Hoàng Thành, là nơi sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia nhà Nguyễn. Tử Cấm Thành được xây vào năm Gia Long thứ 3 (1804), ban đầu gọi là Cung Thành.
Trong Tử Cấm Thành có tổng chu vi 1.228m (dài 324m, rộng 290m), tường bao được xây bằng gạch vồ, và không có hệ thống hào nước bao bọc. Với tổng số khoảng 50 công trình với quy mô lớn nhỏ khác nhau, phục vụ cho những mục đích khác nhau.
Khu vực Tử Cấm thành nằm trên cùng một trục Bắc – Nam với Hoàng thành và Kinh thành, gồm một vòng tường bao quanh khu vực các cung điện như: Đại Cung Môn (Cổng dẫn vào Tử Cấm Thành), Điện Cần Chánh (nơi vua thiết triều – thường triều, còn Điện Thái Hòa bên ngoài dùng cho Đại triều hay các lễ lớn của triều đình), Điện Càn Thành (chỗ ở của vua), Điện Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi), Điện/Lầu Kiến Trung (chỗ Vua Khải Định ở và cũng từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, trước đây là Minh Viễn Lâu).
Ngoài những công trình chính trên được sắp đặt trên một đường thẳng sau cửa Đại Cung, Tử Cấm thành còn có những cung điện, lầu tạ khác hai bên tả hữu là khu vực phục vụ việc ăn uống, sức khỏe và giải trí của vua và hoàng gia như: Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Thái Y Viện (cơ quan chuyên trách chăm sóc sức khỏe), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung), vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương, vườn Ngự Viên, vườn Hậu Hồ, Trường Ninh Cung, Tu Khuê tơ lầu, Điện Quang Minh (chỗ ở của Đông Cung hoàng tử), Lục Viện (Điện Trinh Minh (nơi ở của các bà phi khác ngoài Hoàng Quý Phi), Viện Thuận Huy,…)
Tử Cấm Thành có tổng cộng 7 cửa, phần lớn kết cấu hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói hoàng lưu ly.
Phần lớn, kết cấu của các Điện trong Tử Cấm Thành đều cao hơn mặt đất (~1m), bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh. Khung gỗ với các loại gỗ quý, kết cấu bộ khung được chạm trổ rất công phu, tinh xảo.
Về phần trang trí, vì đây là chốn hoàng cung nên họa tiết đa phần sẽ xoay quanh bộ Tứ Linh – Long, Lân, Quy, Phụng.
– Rồng được biểu tượng cho vua. Họa tiết rồng được thể hiện nhiều trên mái đao hay ở những khu vực cần trang trí để làm nổi bật chốn dành cho vua.
– Lân hay kỳ lân nằm trong “tứ linh” với đặc tính tốt, nhân hậu, không giẫm lên cỏ non. Còn là biểu tượng của triều đại thái bình theo tinh thần Nho giáo, con lân là hình ảnh của một triều đại vững bền, thái bình, có đức vua anh minh. Ở khía cạnh khác, con lân còn là sự biểu thị cho lòng trung quân, tín nghĩa. Lân là con vật báo hiệu điều tốt lành, là biểu tượng cho sự trường cửu, sự nguy nga đường bệ, niềm hạnh phúc lớn lao.
– Rùa (quy) biểu tượng cho sự trường thọ vì sống lâu, mang ý nghĩa trường tồn và vững bền. Theo quan niệm phương Đông, từ đặc tính tự nhiên của đời sống thật, rùa vừa sống dưới nước vừa trên cạn, nên là biểu tượng của sự hài hòa âm dương.
– Chim phụng hay còn gọi là phượng hoàng tượng trưng cho điềm lành vì nó chỉ xuất hiện trong thời bình, biến mất vào thời loạn. Họa tiết chim phụng phần lớn được trang trí ở những nơi liên quan đến hoàng hậu,…
– Bầu Thái Cực (Hồ Lô) là biểu tượng bầu vũ trụ linh diệu, phồn thực, sinh tồn, khí chất trời đất. Hình thái “hóa” đan xen giữa tam giáo là Hồ Lô (Phật giáo), Bầu vũ trụ, bầu rượu trường sinh (Lão giáo) và Bầu Thái Cực (Nho giáo).
Vật liệu bề mặt của những họa tiết trang trí thời Nguyễn (nhất là thời vua Khải Định) đa phần là khảm sành sứ. Khảm sứ đã làm cho những khối kiến trúc vốn dĩ nặng nề khô cứng trở nên hài hoà mềm mại, gợi cảm hơn.
Còn ở những nơi quan trọng hơn, cần mức độ tinh xảo thì được làm bằng pháp lam (kim loại được tráng men). Pháp lam được chế tác bằng cách phủ lớp men nền lên kim loại, dùng cọ vẽ lên lớp men lót các chi tiết rồi đem nung.
Nội dung được máy tính tổng hợp tự động nhằm mục đích chia sẻ thông tin. Nếu bạn là chủ sở hữu của nội dung này hoặc muốn xóa nội dung này thì hãy gửi thư cho chúng tôi , Chúng tôi sẽ xóa nội dung đó ngay khi có thể