NỖI SỢ ĐƯỜNG THỐT NỐT SẼ BỊ LÃNG QUÊN
> “Gia đình nào gọn ghẽ thì vợ chồng nó lên Bình Dương làm công nhân. Nó khỏe hơn. Mình thì bám ở đây luôn”. Đó là tâm sự của chú Hai Tuấn với tụi mình trong chuyến đi về An Giang năm 2019. Những từ ngữ mộc mạc, giản dị ấy nhưng lại chứa đựng bao nỗi lòng, nỗi sợ rằng nghề nấu đường thốt nốt sẽ dần bị lãng quên.
Hành trình đến với vùng đất Bảy Núi để hiểu rõ hơn về quá trình tạo ra đường thốt nốt khiến mình băn khoăn, trăn trở: Mấy chục năm về sau, chúng ta có còn bắt gặp hình ảnh những hàng cây thốt nốt cao chót vót, nhưng không kém phần duyên dáng xen kẽ ở cánh đồng lúa rộng lớn? Chúng ta có còn cơ hội thưởng thức hương vị đường đặc biệt ấy – đặc sản hồn quê gắn bó trong kí ức của bao người con? Liệu rằng thế hệ trẻ có tiếp tục nối nghề, viết tiếp câu chuyện dang dở hay sẽ tìm kiếm giấc mơ ở các thành phố lớn vì nơi đó hiện đại hơn nhiều, hấp dẫn hơn nhiều?
Bạn biết không để tạo ra 1 kg đường thốt nốt nguyên chất cần 6-7 lít nước thốt nốt. Từ tầm 4-5 giờ sáng, các chú đã tranh thủ ra đồng để lấy nước từ nhị hoa trên cây thốt nốt đực. Với một đứa sợ độ cao như mình, khi các “siêu nhân” ấy leo lên cây ở độ cao 25-30 m, mình bắt đầu hồi hộp đến toát cả mồ hôi. Khi hỏi chú có sợ khi leo cao như vậy hay không, các chú mỉm cười trả lời sợ nhưng mà quen rồi. À, thì ra các chú cũng sợ chứ nhưng có cái gì đó còn lớn hơn nỗi sợ khiến họ vẫn leo hàng ngày rồi thành quen luôn. Mình cũng chẳng biết dùng từ ngữ nào để diễn tả cảm xúc lúc đó nữa nên chắc là gói gọn trong chữ “thương”. Không hiểu sao lúc ấy khóe mắt mình cay cay, cổ họng nghẹn lại như có cái gì đó mắc kẹt ở cuống họng, không nuốt trôi được. Rồi trời cũng tờ mờ sáng. Bình minh ở quê đẹp lắm, bình yên lắm. Không khí trong lành, mát mẻ nên chỉ cần hít vào rồi thở ra thôi cũng đã thấy sảng khoái, thư thái vô cùng. Rồi nào là âm thanh từ đài phát thanh, tiếng nói qua lại của người đi đường, thỉnh thoảng có cả tiếng gió rì rào. Đúng là tuyệt vời ông mặt trời. Cô chú mất gần 10 giờ đồng hồ để nấu thành 50 kg đường nguyên chất từ việc đun sôi nước thốt nốt, lọc và chiết qua ba nồi khác nhau hay còn gọi là nước ba, nước nhì, nước nhất.
Từng làn khói tỏa ra làm mình nhớ lại hình ảnh người bà, người mẹ bên bếp lửa chuẩn bị các món ăn cho gia đình với tất cả tình yêu thương. Khói bên bếp lửa là một hồi ức đẹp vẫn được mình cất giữ cẩn thận trong ngăn tủ tuổi thơ, lâu lâu lại lấy ra xem, nhớ về.
Sau khi đường đặc quánh thì chú sẽ dùng máy đánh khoảng 30 phút để đường tơi ra, không bị vón cục. Lúc đó, đường sẽ có màu nâu vàng đặc trưng. Nếm vị ngọt dịu, cảm giác tan ngay trong miệng cùng với mùi thơm đặc trưng làm mình thêm trân trọng thành quả lao động, thêm biết ơn từng hạt gạo, bó rau, trái cây ăn hàng ngày. Đường thốt nốt An Giang không chỉ là món quà của thiên nhiên mà còn chứa đựng bao nỗi vất vả, mồ hôi, công sức và cả tình yêu, sự tử tế, tận tâm với nghề của cô chú nơi đây.
Mong rằng cô chú vùng Bảy Núi có thể sống tốt với nghề làm đường thốt nốt. Mong rằng đường thốt nốt nguyên chất, không bổ sung bất kì chất phụ gia hay bảo quản nào này sẽ được định giá với đúng giá trị của nó. Mong rằng nghề nấu đường thốt nốt sẽ không phải là câu chuyện của quá khứ mà nó còn là câu chuyện của hiện tại và tương lai. Xe bắt đầu lăn bánh trở về cuộc sống nhộn nhịp ở Sài Gòn mang theo sự bình yên của làng quê đáng sống, sự nhiệt tâm trong lao động, sự tích cực, lạc quan luôn nở nụ cười trên môi của người dân nơi đây.