Nhắc đến bánh đa cua, nhiều người nhớ đến ngay hương vị thơm nồng từ một chút mắm tôm, cua đồng cho vị ngọt tự nhiên, bánh đa ăn bùi bùi cùng với các nguyên liệu tươi sống khi chế biến làm nên đặc sản trứ danh của đất Hải Phòng.
Bánh đa cua ăn mùa nào cũng hợp và cách làm cũng khá cầu kỳ, thời gian làm món này trung bình khoảng 60 phút với độ khó trung bình. Cách nấu bánh đa cua Hải Phòng ngon đúng điệu bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
1. Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh đa cua (4 người)
– 500g bánh đa đỏ
– 800g cua đồng
– 200g thịt xay
– 300g giò tai
– 200g chả cá
– 200g mỡ phần
– 100g tôm nõn khô
– 50g me chín
– 100g hành tím
– 5 quả cà chua
– 10g mộc nhĩ
– 10g nấm hương
– 1 mớ lá lốt
Rau ăn kèm
– Rau rút
– Rau muống chẻ
– Ngò gai
– Kinh giới
– Hoa chuối
Gia vị nấu
– Mắm tôm
– Muối, đường, hạt nêm, nước mắm
– Tiêu xay
Trước tiên, bạn cần chọn nguyên liệu ngon để nấu món ăn này.
Chọn bánh đa
Riêng đối với món bánh đa cua thì chọn bánh đa đỏ là nguyên liệu không thể thiếu và nếu có thay thế bằng bánh đa trắng hay bánh đa khác thì độ ngon và hương vị đặc trưng sẽ không thể bằng được.
Bánh đa đỏ Hải Phòng có màu nâu sậm, là loại bánh được tráng khá kỳ công, sợi bánh mỏng tang, mềm và dai, có vị giòn và đậm.
Cách chọn cua đồng ngon
Chọn loại cua đồng tươi sống, lược bỏ cua chết. Chỉ cần một con cua chết là hỏng cả nồi nước dùng riêu cua. Chọn cua có phần vỏ bụng và mai cứng, thân cua mập mạp, ấn tay vào yếm cua nổi bọt khí. Nên chọn cua đực sẽ cho nhiều thịt hơn so với cua cái, giúp nước dùng ngọt đậm đà hơn.
Chọn sườn ngon
Khi chọn sườn heo, bạn nên để ý đến độ tươi, màu sắc hồng đỏ của thịt sườn, không có mùi hôi của sườn đã để lâu. Ngoài ra, các bạn nên chọn miếng sườn có xương dẹt nhưng không nhỏ quá, nhiều thịt và ít mỡ.
Chọn thịt lợn xay
Tương tự như chọn sườn, độ tươi ngon của thịt lợn cũng ảnh hưởng phần nào tới chất lượng món bánh đa cua. Chọn phần thịt nạc vai khi xay là ngon nhất cho món ăn này.
Chọn nguyên liệu khác
Các loại rau củ và nguyên liệu khác bạn nên chọn độ tươi ngon và rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu không có rau rút bạn có thể thay thế bằng rau cần nước, cải cúc.
2. Cách làm bánh đa cua ngon
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
– Rửa cho cua sạch bùn đất dưới vòi nước chảy sau để cho cua ráo nước. Tiếp theo, tách bỏ yếm cua và bóc rời mai cua. Mai cua và thân cua để riêng.
Phần thân cua vào tô riêng và xóc đều với 1 thìa cà phê muối để khi xay hoặc giã nhuyễn, riêu cua được bông và đóng bánh ngon hơn, nếu giã cua bằng cối cũng không bị bắn.
– Me chua bạn dầm nhuyễn với một chút nước sau đó lọc lấy nước cốt.
– Mỡ phần bạn rửa sạch rồi thái thành các miếng nhỏ.
– Giò tai bạn thái miếng nhỏ dài vừa ăn.
– Tôm nõn khô ngâm cùng nước ấm cho nở mềm rồi vớt ra cho vào bát.
– Nấm hương và mộc nhĩ cho vào ngâm với nước ấm trong 10 phút cho nở mềm thì vớt ra, cắt bỏ chân rồi rửa lại với nước sạch. Nấm hương băm nhỏ, mộc nhĩ thái sợi.
– Lá lốt rửa sạch từng lá, nếu lá nào bị rách hoặc nhỏ quá thì bạn băm nhỏ để trộn cùng thịt xay, lá to giữ lại để gói chả lá lốt.
– Cà chua rửa sạch, bổ múi cau. Hành tím bóc vỏ, một nửa thái mỏng, một nửa băm nhỏ.
– Các loại rau ăn kèm bạn rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng trong 20 phút thì vớt ra để ráo nước.
– Bánh đa đỏ khô bạn cho vào ngâm với nước ấm trong 10 phút cho bánh nở mềm. Không ngâm lâu quá, khi ăn bánh sẽ bị nát.
Bước 2: Giã cua lọc nước
Cho cua vào cối giã nhuyễn, chia thành từng mẻ cua để giã cho đều và nhuyễn mịn. Mỗi mẻ giã cua, bạn cho thêm vào 1 thìa cà phê mắm tôm để cho nồi nước riêu cua thơm và đậm đà hơn, đúng vị Hải Phòng.
Giã cua xong bạn lọc lấy 2 lít nước cốt qua rây lọc vào nồi, bỏ phần xác cua. Phần gạch ở mai cua, bạn dùng tăm gợi ra bát nhỏ.
Lưu ý: Bạn lọc đi lọc lại 2 đến 3 lần nước cốt cua để sạch được vụn cua, ăn không bị lấn cấn và riêu cua cũng mịn, bông hơn.
Bước 3: Làm chả lá lốt
Cho thịt xay, nấm hương, hành tím băm vào tô, thêm 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa canh nước mắm, một chút hạt tiêu xay sau đó trộn đều. Để ướp trong 15 phút.
Múc một thìa canh thit xay đặt lên lá lốt sau đó gói kín lại, làm lần lượt cho đến hết. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng sau đó cho chả lá lốt đã gói vào rán với lửa nhỏ, lật đều cho chả chín màu vàng sậm thì gắp ra đĩa.
Bước 4: Rán chả cá
Đặt chảo lên bếp, đun cho khô chảo thì bạn cho vào 5 muỗng canh dầu ăn, đun dầu nóng già thì bạn cho chả cá vào rán với lửa nhỏ.
Đến khi chả cá chín vàng đều hai mặt, bạn đó vớt chả cá ra, để ráo dầu rồi thái chả cá thành từng miếng mỏng cỡ 1cm.
Bước 5: Rán mỡ và chưng gạch cua
Cho mỡ phần vào chảo, bật bếp với lửa vừa, rán cho mỡ đã tóp lại, sém vàng thì vớt ra bát để riêng.
Tiếp theo, bạn chắt bớt mỡ ra, để lại khoảng 2 muỗng canh trong chảo sau đó cho hành tím vào phi thơm lên, cho gạch cua vào đảo đều, cho cà chua thái múi cau vào, đảo đều.
Bước 6: Chần rau muống
Bắc nồi lên bếp, cho nước vào đun sôi lên thì cho rau muống và rau rút vào nồi, luộc chín thì vớt rau ra, thả ngay vào tô nước đá lạnh trong 5 phút cho rau được giòn và xanh hơn. Ngâm xong, bạn vớt rau ra, để cho ráo nước.
Bước 7: Nấu nước dùng riêu cua
Cho nồi nước cốt cua đã lọc lên bếp, bật lửa vừa, cho thêm vào nồi một thìa canh nước mắm, một thìa cà phê hạt nêm sau đó khuấy nhẹ, tiếp tục đun nhưng không đậy vung và không khuấy nữa.
Đến khi nồi riêu cua sôi lên, riêu cua kết tủa, đóng bánh lại thì bạn vớt riêu cua ra đĩa to sau đó cho đổ nước me chua và hỗn hợp gạch cua đã chưng vào nồi, đun sôi hạ lửa nhỏ. Nêm nếm lại gia sao cho vị ngọt thanh thanh, thơm mùi riêu cua là đạt.
Mẹo hay: Nếu bạn muốn nồi nước dùng ngọt hơn thì bạn có thể dùng nước hầm xương để nấu cùng với nước riêu cua cho đậm đà.
Bước 8: Xào nhân
Cho một chút mỡ đã rán vào chảo sau đó cho hành tím vào phi thơm lên, cho tiếp tôm nõn, mộc nhĩ, tóp mỡ vào. Nêm thêm 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm, đảo đều cho tất cả thấm gia vị trong 3 phút thì bạn tắt bếp.
Múc nhân ra đĩa.
Hoàn thành và thưởng thức
Bạn đun một nồi nước riêng sau đó cho bánh đa đã ngâm nước vào muôi lưới rồi trụng vào nồi nước đang sôi trong 10 giây thì vớt bánh đa ra, chia đều và các bát.
Xếp lần lượt chả lá lốt, chả cá, giò tai, riêu cua, rau muống, rau rút, nhân tôm tóp mỡ và mộc nhĩ, hành phi để ăn kèm sau đó chan đều nước dùng vào bát rồi ăn kèm với rau hoa chuối, ngò gai, kinh giới.
Ngoài ra, nếu bạn thích ăn kiểu bánh đa trộn thì bạn pha nước trộn theo công thức: 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước lọc, 1 muỗng canh xì dầu, 1 nửa quả chanh vắt lấy nước, 1 muỗng canh nước cốt dừa.
Bạn rưới 2 đến 3 thìa cà phê nước trộn vào bát sau đó trộn đều. Nếu thích ăn cay có thể thêm chút sa tế. Ăn cùng 1 bát nhỏ nước dùng.
Thành phẩm
Bánh đa mềm, dẻo và nước dùng ngọt thanh đậm đà, thơm mùi riêu cua tự nhiên, ăn kèm với các loại rau sống và nhân tôm, chả lá lốt hấp dẫn cực kỳ.
Chúc các bạn thành công!
3/5